[Cảm nhận] Ngàn mặt trời rực rỡ - Khaled Hosseini

Tôi vẫn thích những câu chuyện vui tươi và tràn ngập sắc màu sáng,
nhưng một câu chuyện có vẻ buồn cũng không quá tệ cho những ngày chán ngắt.
Cũng như cuộc sống không chỉ cần có những ngày nắng mà còn cần cả những cơn mưa,
không chỉ cần đèn xanh mà còn cần cả đèn đỏ.
Đèn đỏ để ta dừng lại, quan sát và rồi bước tiếp.
Chắc rằng, Ngàn mặt trời rực rỡ chưa phải là tác phẩm xuất sắc nhất về đất nước và con người Afghanistan,
nhưng đó là câu chuyện đầu tiên tôi đọc về vùng đất ấy.
Nó mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc.

---ooo---
KABUL
Không ai đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng,
Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.

Saib-e- Tabrizi Nhà thơ Ba Tư, thế kỷ 17 Trích Ngàn mặt trời rực rỡ.
Dưới ngòi bút của những thi nhân, và tôi nghĩ có lẽ, không chỉ riêng đối với nhà thơ xứ Ba Tư này, Kabul(1) chắc chắn đã từng là một nàng thơ tuyệt trần, một nơi chốn tuyệt đẹp.
(1): Thủ đô nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan.

Nhưng cũng có một Kabul khác, hiện hữu trong những câu chuyện của người Afghanistan hiện tại. Những câu chuyện ấy, dường như là tất cả, luôn được đánh dấu bằng những giết chóc, mất mát và đau thương không thể tưởng tượng nổi.

Ví như câu chuyện của người lái taxi ở Herat, của bố Jalil, của ông Hakim, của chàng trai Tariq và của hàng triệu người dân Afghanistan hiện vẫn đang sống chui rúc trong các trại tị nạn tồi tàn và bẩn thỉu dọc các đường biên giới.

Ví như câu chuyện của Laila, của Mariam, của mẹ Nana, của bà Fariba, của Giti, của Hasina và của mọi phụ nữ Afghanistan mà khả năng chịu đựng của họ trước mọi lẽ bất công bởi sự hà khắc của tôn giáo hay bởi sự áp đặt của các chính quyền nối tiếp nhau, có lẽ, khó có người phụ nữ của dân tộc nào có thể chấp nhận nổi.

---o0o---
TỘI LỖI VÀ SỰ THA THỨ
Người đã tạo ra Thiên đường và mặt đất; Người đã tạo ra đêm nối tiếp ngày, ngày nối tiếp đêm và Người đã tạo ra mặt trăng và mặt trời một cách có chủ đích, tất cả đều vận hành trong thời gian định trước của mình. Hiển nhiên Người là Đấng Tối cao, là người xóa bỏ mọi tội lỗi.
Lạy Thượng đế tối cao! Hãy tha thứ và khoan dung, bởi ngài là người độ lượng nhất.
- Kinh Coran Trích Ngàn mặt trời rực rỡ -

Mariam,

Phải chăng tội lỗi lớn nhất của bà ấy là được sinh ra trên cõi đời này với thân phận của một harami, một đứa con hoang không được thừa nhận? Và do vậy bà phải trả giá cho tội lỗi của mình.

Laila,

Phải chăng tội lỗi lớn nhất của cô ấy là được sinh ra với dung mạo quá xinh đẹp, vẻ đẹp của đêm như chính cái tên Laila của cô? Và do vậy, cô ấy cũng phải trả giá cho tội lỗi của mình.

Fariba,

Phải chăng tội lỗi lớn nhất của bà ấy là vì quá yêu thương hai đứa con trai Ahmad và Noor, những shaheed, những kẻ tử vì đạo trong cuộc Thánh chiến chống quân Xô Viết để rồi bà phải trả một cái giá quá đắt cho tình yêu thương con của mình bằng chính cái chết không toàn vẹn của bản thân và của người chồng Hakim, khiến Laila phút chốc mất hết tất cả. Babi, Mammy và các anh trai. Không còn một ai.

Giti,

Hakim,

Tội lỗi của họ là gì mà họ cũng phải trả giá bằng những cái chết thương tâm, thân xác tan tành thành từng mảnh, vắt đâu đó trên mái nhà, treo đâu đó trên ngọn cây hay nằm lăn lốc bên vệ đường sau một tiếng nổ ầm của quả rocket rít gào trên bầu trời Kabul.

Và còn nhiều, nhiều nữa. Hàng triệu người dân Afghanistan.

Tội lỗi của họ là gì mà họ phải trả giá bằng cái chết của người thân, của bạn bè, của những người láng giềng và thậm chí là của chính bản thân họ.

Không.

Họ không mang tội lỗi gì cả.

Mariam không có lỗi. Kẻ có lỗi là những người đã tạo ra harami nhưng không dám thừa nhận nó.

Laila không có lỗi. Kẻ có lỗi chính là tạo hóa, là Đấng tối cao, là Thượng đế, là Đức Allah – những thực thể đã ban phát cho cô vẻ đẹp kiều diễm của đêm nhưng đồng thời cũng vùi dập vẻ đẹp ấy trong đau thương và mất mát.

Bà Fariba, cô bé Giti, ông Hakim không có lỗi. Họ chỉ là nạn nhân của những cuộc chiến liên miên giữa những người Afghanistan sẵn sàng bắn giết người Afghanistan ngay trên mảnh đất quê hương của người Afghanistan.

Tất cả họ, Mariam, Laila, bà Fariba, ông Hakim, cô bé Giti và hàng triệu người dân Afghanistan khác không mang tội lỗi gì cả. Và do vậy, họ không cần phải cầu xin Đấng tối cao ban phát sự tha thứ hay xóa bỏ những tội lỗi mà họ chưa từng mắc phải.

Thế nhưng, đâu đó, một vài câu hỏi vẫn cứ lờn vờn trong suy nghĩ của tôi sau khi đọc xong Ngàn mặt trời rực rỡ.

Tại sao những người dân vô tội như họ lại phải trả một cái giá quá đắt như vậy?

Và phải chăng mọi tội lỗi đều phải trả giá?

---o0o---
SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT
Người tạo ra ngày nối tiếp đêm và đêm nối tiếp ngày, Người tạo ra sự sống từ cái chết và Người tạo ra cái chết từ sự sống, và Người ban phát cho những kẻ Người yêu thương vô bờ.
Xin hãy ban phát, Đức Allah.
Xin hãy ban phát cho con.
Mariam, cuộc đời bà là sự tuần hoàn giữa sự sống và cái chết. Chúng như hai mặt đối lập không thể tách rời cùng tồn tại trong con người bà. Có lúc, cái này ra đời đặt dấu chấm hết cho cái kia. Nhưng cũng có lúc, sự ra đi của cái này lại là khởi đầu sinh ra cái kia và ngược lại.

Mariam, có lẽ, cuộc đời bà chỉ hai lần được cầm bút và viết tên mình. Chữ meem, chữ reh, chữ yab và chữ meem. Nhưng cả hai lần đều có kết quả giống nhau. Cái chết.

Mười lăm tuổi, Mariam cầm bút và viết tên mình vào bản hôn ước mà lúc ấy bà không hề biết và cũng chẳng thể biết nó sẽ đưa bà đi đâu, về đâu. Nhưng một dự cảm mơ hồ cho bà biết rằng sẽ chẳng có gì tốt đẹp.

Kể từ giây phút ấy, trên cõi đời này đã không còn tồn tại cô bé Mariam với ước muốn được xem bộ phim hoạt hình Pinochio vào ngày sinh nhật lần thứ mười bốn; không còn tồn tại cô bé Mariam thích được đến trường; không còn tồn tại cô bé Mariam thích chơi với mười một viên sỏi đại diện cho những đứa con của bố Jalil, một hàng bốn cho bốn con của người vợ cả, một hàng ba cho ba con của người vợ thứ hai, thêm một hàng ba cho ba con của người vợ thứ ba và cuối cùng là hàng thứ tư chỉ có một viên sỏi cô đơn và lẻ loi đến tội nghiệp.

Kể từ giây phút ấy, Mariam đã chết cùng với sự tan vỡ của những giấc mơ và niềm tin dành cho người bố Jalil của mình. Bà đã chết cùng với bản hôn ước với tên quỷ dữ đến từ Kabul – Rasheed.

Hai mươi tám năm sau, một lần nữa, Mariam lại cầm bút và viết tên mình. Chữ meem, chữ reh, chữ yab và chữ meem. Nhưng lần này khác với lần đầu tiên. Rất khác. Bà viết tên của chính mình với một nhận thức vô cùng rõ ràng rằng bà sẽ chết.

Kể từ cái giây phút được viết tên mình lần thứ hai trong đời, người đàn bà Mariam giấu mình trong tấm áo burqa đã không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa. Người đàn bà Mariam chỉ có những nhu cầu nhỏ nhặt trong cuộc sống, người không bao giờ để lộ ra rằng bản thân mình cũng từng có những nỗi đau buồn, thất vọng, những giấc mơ đã từng bị đem ra chế nhạo, người đàn bà chịu đựng tất cả mà không một lời ta thán (2) đã chết.
(2): Trích Ngàn mặt trời rực rỡ.

Nhưng cái chết ấy lại tạo ra sự sống như cái cách mà Đức Allah tạo ra sự sống từ cái chết. Cái chết của Mariam đã mang đến sự tái sinh cho Laila và các con của cô. Cái chết của Mariam mang đến cho ba người họ và cả Tariq một cuộc đời mới.

Mariam, bà chết nhưng bà vẫn sống, mặc dù, bà không tồn tại trong một thể vật chất nào đó. Bà vẫn sống và luôn hiện hữu trong những vần thơ của Aziza, trong những lời cầu nguyện của cô bé. Và vượt trên tất cả, Mariam ở trong lòng của Laila, nơi bà tỏa ra những tia ấm áp của ngàn mặt trời.(3)
(3): Trích Ngàn mặt trời rực rỡ.


Người tạo ra sự sống từ cái chết và Người tạo ra cái chết từ sự sống, và Người ban phát cho những kẻ Người yêu thương vô bờ.
Xin hãy ban phát, Đức Allah.
Xin hãy ban phát cho con.

Mariam yêu quý! Sau tất cả những chịu đựng và hi sinh của bà, bà là ngàn mặt trời rực rỡ đẹp nhất trong mắt tôi.

---o0o---
AFGHANISTAN
Không ai đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng,
Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.

Trăng vẫn sẽ tỏa sáng trên những mái ngói của Kabul và ngàn mặt trời rực rỡ vẫn sẽ đùa giỡn trốn đâu đó sau những bức tường của Kabul.

Nhưng trước khi trăng lên cao và mặt trời ló dạng, Kabul đã chìm trong bóng tối của chiến tranh nối tiếp chiến tranh, trong những luật lệ tôn giáo hà khắc triệt tiêu cả những quyền cơ bản nhất của con người.

Trong suốt bốn thập kỷ từ những năm bảy mươi cho đến tận những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, thậm chí kéo dài đến tận ngày hôm nay, Kabul chỉ còn là nơi mà tiếng súng khô khốc lấn át tiếng cầu Kinh rì rầm mộ đạo vào mỗi sáng. Những cánh diều trên bầu trời Kabul được thay bằng những quả rocket không ngừng nghỉ dù ngày hay đêm. Không khí Kabul chỉ tanh nồng một mùi chết chóc và máu thì nhuộm đỏ cả những lối đi. Trong lòng Kabul, những phận người, cũng vì thế mà, khuất chìm trong bóng đêm tăm tối của những cuộc chiến tàn khốc.

Và sau tất cả những gì đã xảy trong cái quá khứ có quá nhiều những đau thương và mất mát ấy, tôi hi vọng, vẫn luôn hi vọng, dù tôi biết hi vọng đó mong manh lắm, điều ấy sẽ không lặp lại trong cuộc đời của những đứa trẻ như Aziza, như Zalmai - những đứa trẻ được sinh ra trong vô cùng thiếu thốn và trong ầm vang tiếng rít của những quả rocket trên bầu trời Kabul vào những năm tháng đáng quên đó. Chúng là những đứa trẻ của hiện tại. Và do vậy, chúng có quyền được hi vọng, chúng có quyền được sống một cuộc sống bình thường. Không bom đạn, không giết chóc, không tàn bạo, không hà khắc.

Kabul và cả đất nước Afghanistan như một đóa hồng, một đóa hồng bung nở trên con đường tơ lụa nối liền Á - Âu. Đóa hồng ấy đã từng rực rỡ và kiêu hãnh nhưng đóa hồng ấy cũng đã từng héo úa giữa hoang tàn đổ nát của khói lửa chiến tranh. Và đóa hồng ấy sẽ ra sao trong tương lai, không một ai có thể trả lời được.

Tôi đã nhìn thấy một Kabul, một đất nước Afghanistan và những con người Afghanistan như thế trong Ngàn mặt trời rực rỡ.

Đau thương, mất mát, sợ hãi, hi vọng, hạnh phúc, tình yêu, sự tha thứ và cả sự hi sinh. Tất cả những cảm xúc ấy được bao trùm trong một nỗi xúc động mãnh liệt và vỡ òa khi tôi đọc đến những trang cuối cùng của cuốn sách.

Kẻ thù duy nhất mà một người Afghanistan không thể đánh bại chính là bản thân anh ta.
-
Ngàn mặt trời rực rỡ - Khaled Hosseini -
---ooo---
Thông tin thêmNhờ công đức hoằng pháp của đại đế Asoka (Ấn Độ), Afghanistan từng là một trung tâm Phật giáo phát triển rực rỡ vào khoảng đầu công nguyên. Nằm trên con đường tơ lụa huyền thoại nối liền từ đông sang tây, các vị cao tăng Phật giáo trên con đường hoằng pháp đến các vùng đất mới thường dừng chân tại thung lũng Bamiyan xinh đẹp của đất nước Afghanistan để nghỉ ngơi. Lâu dần, Bamiyan trở thành trung tâm truyền bá Phật pháp quan trọng trên con đường tơ lụa này.
Bamiyan trở nên nổi tiếng nhờ vào hai bức tượng Phật khổng lồ được khắc sâu vào núi đá có niên đại khoảng hơn 1.500 năm. Một bức cao 53 mét và một bức cao 38 mét được xem là những bức tượng Phật cao nhất thế giới. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2001, lực lượng Taliban đã liên tục nã pháo và dùng thuốc nổ phá nát cả hai bức tượng. Hiện tại, thung lũng Bamiyan chỉ còn hai hốc đá nơi có tượng Phật.

Năm 2003, UNESCO đã công nhận hai bức tượng Phật tại thung lũng Bamiyan là Di sản văn hóa thế giới. Khu vực trước kia có hai bức tượng Phật được bảo vệ nghiêm ngặt để tiến hành trùng tu bảo tồn hai hốc đá lớn còn lại. Các nhà khoa học hiện vẫn còn tranh cãi có nên phục dựng lại hai bức tượng Phật tại vị trí cũ hay không?

Bài viết tại diễn đàn.

Tác giả: Lá

*Chú thích: Các bạn có thể vào diễn đàn để đọc thêm về một số thông tin thêm của bạn Lá.