[Tản văn] Dã quỳ ơi, 30 năm còn nở...?

"Khi những đám dã quỳ khảm vàng phố núi
Mây cũng len lén vàng trong chút ráng hoàng hôn
Giữa lồng ngực anh chao chác rung dồn
Có một đóa dã quỳ, thao thức nở..." [*]

Đâu chừng khoảng trên dưới một tháng nữa thôi là đến Tết Nguyên Đán – anh nhớ vậy vì dạo này anh biếng nhác nhìn lên tờ lịch treo tường, hay đúng hơn, anh “thấy mình” bất chợt... sợ Tết! Thật đấy, anh chợt sợ những phút giây nhìn thấy người người sum họp, nhà nhà đỏ lửa vui vầy mà chúng ta, anh – và – em cứ biền biệt đôi nơi. Ừ thì anh biết cuộc sống chả hào phóng đến mức cho ai một khắc mà trở nên đầy đủ. Ừ thì anh biết để hạnh phúc ta phải biết đợi chờ. Ừ thì anh biết giờ này chúng ta cần vượt qua nhiều hơn cho những ngày bình yên sắp tới. Nhưng ai cũng có lúc mềm lòng, kể gì trẻ già, mạnh yếu đâu em!

Mà... không mềm lòng sao được khi mỗi sớm mai thức dậy, trên cung đường ngày ngày anh vẫn thường đi thể dục, đi làm; cả những cung đường mới hôm nào còn đón em ríu rít nói cười, đưa nhau phố xá loanh quanh, giờ đâu đâu cũng ngập tràn một màu vàng rực rỡ và hoang dại của loài hoa dã quỳ phố núi. Đó đây mầm nụ, khẽ khàng đâm chồi nảy lộc xanh biêng biếc. Đó đây lấm tấm bung những đóa hoa vàng ươm, nhẹ nhàng đong đưa, điệu đà rung rinh trong gió như thể tiễn biệt một năm trầm nổi qua đi.

Anh nhớ nhà thơ tài hoa Đỗ Trung Quân một lần (hay nhiều lần chả rõ) ngắm những đốm hoa vàng líu xíu, lộng lẫy ấy mà viết rằng:

“Một hôm thấy nắng vàng đâu đó
Một hôm thấy nắng trải dọc ven đường
Ồ không, chỉ là dã quỳ một ngày bình thường
Chợt lộng lẫy nhớ thương
Mặc kệ tháng Mười Hai co ro trong túi áo
Anh hỏi
Trong nỗi buồn của dã quỳ
Sao mày vàng đến thế
Vàng như thể chia ly
Thành phố dốc đồi già theo bước người đi
Hoa quỳ dại có bao giờ vàng thế,
Hoa buồn quá
Hay chính ta buồn...?!”


Anh thì không có được chất nghệ sĩ như họ Đỗ để nhìn màu hoa cũng rưng rức buồn. Anh, chỉ đơn giản là anh yêu hoa quỳ dại, yêu màu vàng xốn xang đến nhức mắt mỗi độ Đông về. Với anh, loài hoa ấy, màu hoa ấy gắn chặt cùng tuổi thơ anh suốt một thời thơ bé.

Anh nhớ, năm ấy cả nhà anh từ phía bờ bên kia sông Hồng đã xuôi theo miền đất mới, dọn vào ở tận Tây Nguyên, quyết tâm lập nghiệp từ mảnh vườn con nằm lưng chừng một quả đồi lúp xúp, xung quanh là những vạt rừng còn sót lại. Ven theo những con đường mòn nhỏ quanh co là vô vàn quỳ dại, bạt ngàn quỳ dại mọc chen chúc nhau, xòa cả ra con đường vốn dĩ đã nhỏ lại càng nhỏ khi anh len lỏi đặt đôi bàn chân bé xíu đi qua.

Anh nhớ, khi ấy cây quỳ thường chỉ là loài cây mọc hoang dại ở hàng rào, bên ngoài sự quan tâm vun vén, thương yêu của con người. Nhất là khi qua một mùa mưa, quỳ vụt xanh ngời ngời, tham lam dấn bước lấn qua phần đất của những đậu, những bắp, hay các loài hoa màu mà người ta phải bỏ công ra tỉa trồng và chăm bón thì ôi thôi, quỳ tha hồ mà bị đốn, bị chặt, bị đốt bỏ cả gốc, cả cành cho đỡ “nhiễu nhương”...! Chỉ đôi lần trong năm quỳ mới được ngó ngàng tuyên dương vì được chọn làm loài cây tiêu biểu mà bọn học trò phải rủ nhau đi chặt từng bó mươi, mười hai ký nộp cho nhà trường mỗi khi phát động phong trào “Chúng em làm lao động”.

Ấy thế mà vắng quỳ thử xem, lấy đâu ra thứ cây ủ làm phân xanh bón vườn, bón ruộng? Lấy đâu ra đoạn rễ đắng nấu nước cho những đứa trẻ nghèo đầu trần chân đất như bọn anh... tắm ghẻ? Lấy đâu ra túm lá xanh ngắt cho đám con gái tụm năm tụm ba chơi đá cầu, đá kiện? Lấy đâu ra mấy cái hoa cho thằng bé con thò lò mũi dãi nhà bên đẩy tới đẩy lui cười tít, quên chuyện phải xa mẹ, ngong ngóng cửa một mình? Chưa kể, cứ thấy quỳ bắt đầu nở hoa rải rác cùng những cơn gió lạnh trong cái nắng vàng hanh hao lan tỏa khắp khí trời cao nguyên là người ta nhìn thấy Xuân về...

Có điều, dã quỳ phố núi bao giờ cũng có cái dáng gầy yếu, mong manh và hơi xao xác. Đứng xa xa chiêm ngưỡng những vạt hoa vàng xoắn xuýt vào nhau, vươn lên trời cao thì đẹp chứ đến gần hoa lại rất bình thường, thậm chí cái màu vàng ngác ngơ mà nhà thơ họ Đỗ ca ngợi “sao mày vàng đến thế” cũng hóa thành... ung ủng khi mỗi nhành hoa lại dính chặt cùng đám lá quỳ khô quắt đi kèm. Nhìn hoa, chỉ thấy mỗi cái... nghèo, cái khó, cái hanh hao nắng gió, cái lầy lội mưa phùn chứ chẳng bao giờ có cái dáng lộng lẫy đầy đặn như dã quỳ ở miền đất lạnh quê em. Chắc vì thế mà chẳng bao giờ người ta gọi vùng đất Bazan đỏ quặm này là vùng hoa dã quỳ hay lấy quỳ dại làm biểu tượng cho Festival Hoa rực rỡ tươi thắm sắc màu...

Năm nay, nơi anh đang đứng hoa quỳ nở sớm. Tháng Chín, tháng Mười đã thấy những bụi quỳ xanh rì bám chặt vào nhau, mặc cho gió mưa hay bão rớt có “làm mình, làm mẩy. Tháng Mười Một, đi qua những đám quỳ lốm đốm hoa vàng anh cứ ngỡ quỳ bắt đầu lao xao thì thào trò chuyện – có lẽ là câu chuyện chờ đợi, mong ước, câu chuyện khát khao sống, khát khao yêu, khát khao hẹn hò hay biết đâu đấy, là câu chuyện lòng người cùng những ước mơ xa... Lắm lúc, anh chỉ muốn một lần dừng lại, bắt chước người thi sĩ hồi nào, mượn câu thơ hỏi nhỏ “Hoa quỳ dại có bao giờ trò chuyện, để ta nghe, hoa cũng chính là người...”

Rồi thoắt một cái, đầu tháng Mười Hai quỳ đồng loạt rủ nhau bung cánh, vàng xuộm từ đầu thôn đến cuối ngõ, lan ra cả bìa rừng hay nghiễm nhiên vô tư cạnh đường... quốc lộ. Mặc kệ từng cơn gió gào rít điên cuồng, mặc kệ từng đợt giá rét xồng xộc thốc vào. Mặc kệ bụi mù đất đỏ, mặc kệ ngai ngái của đại ngàn, mặc kệ cả mùi hương thoang thoảng của vườn cà phê đang độ...

Quỳ cứ thế đơm bông...!

Em ạ, anh đã đếm những tháng ngày không nhau và cả những tháng ngày có nhau từ khoảnh-khắc-hoa-quỳ như thế đó. Nên em đừng hỏi vì sao giữa trời đất bao la, anh lại quá chừng cay mắt, lòng cứ rưng rưng khi tìm thấy mộ ba an yên bên vạt quỳ sáng rực. Lần ấy, bên anh chưa có em, nên anh tin ba đã nhờ hoa đưa đường mách lối. Em cũng đừng hỏi tại sao anh lại nôn nao khi mùa quỳ sắp qua đi mà ta vẫn chưa được cùng nhau sánh bước giữa những sắc vàng thắm thiết nồng nàn...

Em, em đã bao giờ nghe câu hát “hoa dã quỳ, 30 năm còn nở...” để hiểu được những gì chưa kể hết trong anh...?!

CF-S
_________

[*] Trích bài thơ "Bông dã quỳ, 30 năm còn nở" của nhà thơ TTSH.

-- Tác giả: CF -S --