[Cảm nhận] Đèn không hắt bóng

Đọc tại Gác Sách: Đèn không hắt bóng - Watanabe Dzunichi.

Sự sống không tiếp diễn.

Hôm tôi dọn lại kệ sách, phát hiện cuốn Đèn không hắt bóng tôi nhặt về từ bao giờ ấy, sách xuất bản năm 1978 giấy ố vàng chữ như là đánh máy đã mờ căm, cái bìa sách thì ôi thôi nó chỉ đắp nhẹ lên trang đầu tiên, mọt đã gặm gần hết một góc sách. Tôi tiếc rẻ mà quyết định vất nó vào sọt rác, trước khi bỏ đi tôi bèn cố đọc lại vài dòng giới thiệu ở đầu sách, nhất là đoạn giới thiệu về tiểu sử tác giả Wanatabe Dzunichi. Điều cần ghi nhớ trong Đèn không hắt bóng của tôi chỉ còn lại như thế, nó gần như một bài nhạc cũ rích có điệp khúc về người nghèo khổ bị những loại ông chủ bà chủ đàn áp, câu chuyện người giàu người nghèo ấy được mô tả lại từ một cái bệnh viện tư ở Tokyo. Thật đáng tiếc nếu như tôi chỉ nhớ câu chuyện theo “Lời giới thiệu” như thế ở đầu sách.


Một hôm tôi và cô bạn đã bàn luận rất sôi nổi về cái tên: Đèn không hắt bóng, chỉ vì tôi đọc trên blog một bạn trẻ viết cảm nhận về cái đèn không hắt bóng, bạn ấy nói là có cái bẫy gì đó ở cái tựa sách. Tôi tính sẽ đọc thật kỹ bài cảm nhận để hiểu hơn những suy nghĩ của giới trẻ về một tác phẩm một thời như thế nào? Tiếc rằng, tôi lại không nhớ blog đó tên gì để trở lại đọc lần nữa. Thế là chém gió cùng cô bạn và chúng tôi đã nói thế này: Đèn không hắt bóng là một loại đèn dùng trong phòng phẫu thuật, gọi nôm na là phòng mổ trong các bệnh viện, nhưng nó có nghĩa bóng là gì? Hai đứa tôi mỗi đứa đưa ra một cách giải thích, nó nói ĐÈN nào cũng có bóng đổ nếu không hắt bóng thì có khả năng nói đến một tài năng nhưng thầm lặng. Tôi lại nghĩ đến một con người hay sự việc gì đó không có thật nên nó không có bóng… hoặc như một nỗi cô độc nào đó không thể giải bày, không thể tìm được sự cảm thông. Để có được kết luận thỏa đáng chúng tôi quyết định cùng đọc lại tác phẩm này, và rất may mắn sách lại được tái bản và tôi đã vỡ lẽ vì sao Đèn không hắt bóng? Bạn có khi nào cũng tò mò như thế không? Loại đèn không hắt bóng ấy.

Khi đọc đến trang cuối cùng của Đèn không hắt bóng, tôi đã thở dài một hơi. Cái cảm giác rất khó diễn tả, nó khiến cho tôi muốn viết điều gì đó về Naoê, về Vô ảnh đăng, về sinh lão bệnh tử của đời người! Vương vấn trong tôi một số phận kì lạ, cô đơn trong chính tâm hồn mình. Vâng, nó là câu chuyện ở Nhật Bản của những năm 1971 thế nhưng đến nay câu chuyện ấy vẫn nguyên giá trị đến mức không thể ngờ được, chí ít như tôi thấy cái bệnh viện tư tôi nằm điều trị ở cái tỉnh lẻ này mọi sự diễn ra sao mà nó giống y chang cái bệnh viện Oriental, tác giả nói cái tên của nó rất là hợm hĩnh. Trong đó đầy đủ tính chất của một xã hội đặc thù thu nhỏ.


Trong câu chuyện của mình tác giả Watanabe Dzunichi không xây dựng các nhân vật có vai phản diện chính diện, trải dài các chương là những vấn đề xảy ra ở bệnh viện tư Oriental, công việc hằng ngày xoay quanh khám và chữa bệnh của những người thầy thuốc Nhật Bản. Tác giả Watanabe Dzunichi đã đưa nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực y học thuần túy cũng như những lĩnh vực của y học ngoại vi: Cách chữa bệnh, cách xử sự của bác sĩ trước những điều trị vô ích, lòng nhân ái khách quan, lòng từ bi trắc ẩn và giá trị nghề nghiệp của một người thầy thuốc. Hàng loạt các vấn đề tưởng chỉ là ở bệnh viện nhưng lại có rất nhiều tính nhân bản không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được. Tôi rất thích câu này của Naoê: - Người ta ai mà chẳng cố tránh đừng để mình đau. Vậy thì tránh bằng cách nào đó là quyền của họ. Cái lý thuyết về bổn phận nghề nghiệp, về hành vi nghề nghiệp nó là một trong những tuyến tự sự của Đèn không hắt bóng.


- Những phụ nữ trong Đèn không hắt bóng:

Họ gồm những cô y tá làm công trong bệnh viện mà viện trưởng của họ được tác giả gọi là một gã lang băm. Họ làm việc ở các khoa với một mật độ căng thẳng, chính họ là nhân vật không thể thiếu ở bệnh viện, nhưng những con người đó cũng có nhiều hình dạng, điển hình như bà y tá trưởng Sekiguchi thóc mách và bẳn tính, cô y tá Noriko Simura vị tha và chân thành. Còn có bệnh nhân Đzyunko Hanadzyo nữ ca sĩ đang mùa ăn khách. Bà vợ bác sĩ trưởng tên Ritsuko gần đến tuổi 50 nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp bề ngoài. Cô con gái Mikiko mỏng manh cùng tuổi với Mayumi người tình của viện trưởng. Những nhân vật nữ mà tác giả dùng một giọng điệu không kết tội, không chủ kiến cứ việc thế thì nói thế, khiến cho người đọc là tôi từ lúc muốn hiểu họ đến không thể hiểu họ, vài sự không hài lòng cho lắm với các phụ nữ ấy trong Vô ảnh đăng đã làm tôi nghĩ đến câu này: “Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng, đó là những người tốt không làm gì cả” – Edmond Burke.


- Bệnh nhân.

Họ gồm người giàu vào nằm viện vì muốn thử lòng các quan hệ, họ muốn nghỉ ngơi cách hưởng thụ, trong số ấy có vài người là có bệnh thật. Họ gồm các bệnh nhân nghèo hưởng bảo hiểm trợ cấp, hay tên lưu manh nào ấy… Những hình ảnh tương đối chân thực về đời sống thường ngày ở Nhật. Hai giai cấp giàu và nghèo này đã làm bấn loạn đầu óc bác sĩ thực tập Kobasi, người vẫn còn lý tưởng hóa đạo đức nghề nghiệp có tính tình bộc trực và nông nổi. Bác sĩ Kobasi không chịu hiểu thế nào là bệnh viện tư và bệnh viện nhà nước, các bệnh nhân phải được đối xử như nhau, cái tính cách riêng lẻ ấy chẳng giúp gì cho anh ta khi mà: Thời bây giờ khổ nhất là những người có ít tiền – Một là phải có nhiều, hai là không có đồng nào. Kobasi không thể nào chấp nhận điều: “Tốt hơn hết là đừng có đồng nào”. Thật là buồn cho Kobasi khi lý tưởng nghiệp vụ của mình bị tình trạng tổ chức phi lý của xã hội làm cho nhụt chí.


Vậy thì cái bệnh viện tư có tốt không? Để trả lời nó tôi nghĩ nghèo thì nên tránh đi khám và chữa bệnh ở bệnh viện tư, vì khoản tiền trả ở đây là vô nghĩa, bệnh viện Oriental không chủ trương tiếp người nghèo nhưng vẫn có ba phòng chung dành cho bệnh nhân trả tiền qua bảo hiểm, họ không nên phàn nàn nếu trót vào nằm. Bởi vì trong xã hội thực chất vẫn tồn tại một nhu cầu xa xỉ, sự cung ứng là do nhu cầu tiêu thụ sản sinh ra, cái cung sinh ra cái cầu là vậy. Cung ở đây là dành cho kẻ có tiền kia mà.


Và nhân vật chính của chúng ta là bác sĩ Naoê người thầy thuốc mà trong lời giới thiệu nói rằng tác giả đã “cường điệu” nhân vật. Tôi thích nhân vật này đến mức tôi không thấy phản cảm khi anh gật đầu với tất cả các cô gái hẹn đến nhà anh. Tôi không muốn trong bài viết này của tôi có bất cứ câu nào phán xét cách miêu tả cuộc đời của bác sĩ Naoê. Tôi ngưỡng mộ sự thông minh và tài năng của Naoê, cách vị bác sĩ này tỏa sáng thật sự giống ngọn đèn không hắt bóng trong căn phòng phẫu thuật. Tôi nhìn thấy tình yêu của Noriko Simura là cô y tá phụ mổ của bác sĩ Naoê dành cho Naoê rất dịu dàng vị tha và chân thành. Tình yêu của Noriko có cái gì đó nhẫn nhục thái quá dễ làm cho độc giả phải suy nghĩ bí bách. Thế rồi cái kết quả đã làm cho tôi hụt hẫng, một cái kết mà IU. Krilin nói rằng tác giả “cài bẫy” người đọc. Cuộc đời của bác sĩ Naoê được người chị so sánh là một loại đèn không hắt bóng, không gì đau đớn bằng biết được ngày giờ mình chết. Là một bác sĩ tài năng Naoê dùng chính cơ thể mắc bệnh của mình làm một cuộc nghiên cứu, ghi chép diễn biến căn bệnh thật chi tiết, trong lá thư tuyệt mệnh anh nhờ đưa những ghi chép ấy cho phó giáo sư Sanda ở khoa phẫu thuật đại học, người đã đồng hành với Naoê trong cuộc nghiên cứu ấy.


Điều gì đã làm tôi xót xa? Chính sự cô độc trong bệnh tật của Naoê đã làm tôi muốn khóc. Thử nhìn ngọn đèn không hắt bóng xem sao, ở đó tôi chờ gặp đủ chuyện bất ngờ thế nhưng tôi chỉ nhìn thấy rõ nét một ánh đèn chói lọi, bật sáng lâu nhất vài tiếng đồng hồ rồi tắt đi. Đèn ấy thầm lặng nhưng ánh sáng nó ý nghĩa biết bao.

Khép lại Vô ảnh đăng, cuốn tiểu thuyết vẫn còn đó nhiều cung bậc cảm xúc trong tôi. Tôi không ngạc nhiên khi nó vẫn được đánh giá là rất hay trong lòng độc giả qua nhiều thế hệ như vậy. Nếu bạn là người thích đọc và cất những cuốn tiểu thuyết thì Đèn không hắt bóng là một lựa chọn rất tuyệt vời, nó sẽ tuyệt hơn nữa trong những lúc trời đang mưa…

BMT 19-6-2015 K.

Sau cơn lười nhập khẩu lâu năm, vì giữ lời hứa với em mà chị viết bài cảm nhận này. Dành tặng nó cho CF-S thay lời cám ơn em nhé.

Người viết: Mắt nắng

Bài viết tại Diễn đàn.