[ Review ] Cớ sao mãi yêu em – Tâm Văn

Khách quan mà nói, truyện này không nổi bật, chủ đề phổ biến, kiểu nhân vật quen thuộc, tình tiết thông thường. Thật khó để tìm cái hay mà cũng không dễ để tìm cái dở. Một câu truyện tương đối trau chuốt, viết có đóng có mở, có thắt nút và gỡ nút. Tuy nhiên, trong một khu rừng um tùm cây cối như “rừng ngôn tình”, Cớ sao mãi yêu em không có chỗ đứng vững chắc.

Trong lúc đọc truyện này mình hay liên tưởng tới Giường đơn hay giường đôi. Nam và nữ chính giống như một phiên bản khác của Thi Vĩnh Đạo và Diệp Phổ Hoa. Họ cùng trãi qua khoảng đời học sinh với yêu đương bồng bột, có kỉ niệm và hoài niệm. Sau lớn dần lên, thấu hiểu sự đau đớn của trưởng thành, thấu hiểu sự cô đơn quạnh quẽ, gặp lại và tiếp tục dằn vặt nhau, cuối cùng mới biết quý trọng tình yêu và đi tới hạnh phúc.

Mặc dù nội dung có vài nét giống nhưng Cớ sao mãi yêu em vẫn còn nhiều cái chưa đạt, nói đúng hơn là chưa so sánh nổi với các tác phẩm lớn đặc sắc khác. Đầu tiên là cây bút Tâm Văn không có được cái xuất thần, giọng ngâm nga triết lý, phong thái từ tốn mà lắng động của Cầm Sắt Tỳ Bà. Câu chuyện tuy dài nhưng chưa tạo ra sâu sắc ấn tượng. Nam chính si tình nhưng không có cái vẻ tịch mịch mà sâu thẳm như Vĩnh Đạo. Nữ chính cũng đáng ghét như Phổ Hoa nhưng không tận dụng được sự “đáng ghét” đó mà khiến đọc giả nhớ mãi không quên. Tóm lại là viết chưa tới, vẫn còn ương dở, vẫn còn thiếu mùi vị, vẫn còn chưa đậm đà…

Có lẽ không nên đem truyện này đi so sánh như thế, mỗi tác phẩm đều có sắc thái riêng của mình, chắc là Hoa Ban nhìn được cái rực rỡ mà cảm thấy cái nhàn nhạt không được thu hút.

Câu chuyện là lời kể của Diệp Phiên Nhiên, từ khi cô ngây thơ hồn nhiên bước vào trường cấp ba đến khi trở thành người phụ nữ công sở bận rộn. Một phần thanh xuân của Phiên Nhiên gắn bó với 2 cái tên: Thẩm Vỹ, Dương Tịch.

Thẩm Vỹ là mối tình đầu, trong sáng và đẹp đẽ như mọi tình đầu.

Dương Tịch là mối tình sau, muộn màng và dai dẳng như mọi tình sau.

Thật ra cả hai người đều rất tốt, cho dù Phiên Nhiên chọn ai thì họ cũng sẽ chân thành và đem tới hạnh phúc cho cô.

Dương Tịch giống mặt trời và Thẩm Vỹ là mặt trăng. Dương Tịch hoàn hảo, nổi bật, đầy cuốn hút. Thẩm Vỹ ôn hòa, dịu dàng và bao dung. Còn Phiên Nhiên là một ngọn cỏ lúc tươi lúc úa, tấm thân mỏng manh mà kiên cường.

Cuộc sống trung học của Phiên Nhiên bắt đầu bằng một năm buồn bã. Áp lực thành tích, áp lực hòa nhập, áp lực trường lớp,.. tất cả đều đoạt đi vẻ tươi tắn vốn có của cô thiếu nữ chưa trãi đời. Thu mình vào chiếc kén, cố gắng trong mệt mỏi, điều an ủi lớn nhất là cô có Thẩm Vỹ bên cạnh. Anh là người bạn tri kỷ, thích lắng nghe và mỉm cười. Thẩm Vỹ là mặt trăng giữa đêm tối, đem tới ánh sáng chỉ đường, thấp lên niềm tin vào bình minh.

Chỉ tiếc rằng khi bình mình đến trăng cũng không còn nữa.

Thẩm Vỹ theo gia đình chuyển đi xa, để lại là nước mắt, là nhớ mong, là những lá thư viết vội. Khoảng cách cùng thời gian đủ khiến một thứ tình cảm chưa định hình dần rơi vào một ngách khuất trong trái tim. Tôi cho rằng giữa họ là “thích” và “mến” chứ không yêu.

Duy nhất một điểm tôi đồng tình với tác giả: Không phải cứ yêu thì sẽ chúc người kia hạnh phúc.

Kiểu tình yêu cao thượng ấy dù vĩ đại mà lại hư ảo quá. Yêu rồi thì sẽ đi đôi với ích kỷ và chiếm hữu, trừ khi người đó không còn thời gian và sinh mệnh, không còn sức khỏe và tương lai mới chấp nhận buông tay và đề lại lời chúc phúc như thế.

Dẫu sao Thẩm Vỹ sẽ mãi mãi là First Love, mãi mãi ngủ yên trong một góc trái tim, không biến mất và cũng không thay thế.

Câu chuyện về nàng lọ lem lại bắt đầu khi Dương Tịch bước vào cuộc đời cô. Tuy rằng anh đến sau nhưng chưa thể nói anh có tình cảm với Phiên Nhiên sau Thẩm Vỹ. Tính háo thắng của con trai mới lớn khiến anh không thể chấp nhận khi một người con gái không liếc nhìn hào quang của mình. Bắt đầu từ bồng bột rồi lấn sâu trong vô thức. Dương Tịch phá đám hai người nhưng trớ trêu thế nào lại trở thành chất xúc tác khiến họ đến bên nhau.

Thời gian Phiên Nhiên và Thẩm Vỹ kề cận sớm chiều là lúc Dương Tịch bị mâu thuẫn dày vò. Phiên Nhiên không xinh đẹp như Hồng Hinh Nguyệt, không giỏi giang sắc sảo như Hạ Phương Phi, cô quá đổi bình thường, không hề ăn khớp với một Dương Tịch chói sáng. Cậu trai này có lẽ đã tự hỏi mình không dưới ngàn lần “Vì sao tôi yêu em?”

Vẫn là cái chân lý tẻ nhạt: Tình yêu không có lý do.

Thẩm Vỹ rời đi, Dương Tịch cũng không thể thân cận với Phiên Nhiên vì cô chọn ban xã hội. Hai năm trung học cuối cùng là theo đuổi, bị từ chối, theo đuổi rồi vẫn bị từ chối. Phiên Nhiên thủy chung với lời hứa đại học Nam Kinh, cô vẫn tâm niêm mình là bạn gái của Thẩm Vỹ, họ chỉ tạm xa nhau, không phải là cắt đứt.

Đối với Dương Tịch, Phiên Nhiên có thể né tránh anh, có thể từ chối anh, cũng có thể chán ghét anh nhưng duy nhất không được phép yêu cầu tình yêu này ngừng lại. Bởi vì Dương Tịch đã nói: “Diệp Phiên Nhiên, cậu tưởng rằng tình cảm làm từ nước sao? Chỉ cần mở vòi ra, muốn nước chảy ra thì chảy, muốn tắt thì tắt chứ gì?”

Ngưỡng cửa đại học rồi cũng đến, cô muốn thi vào đại học Nam Kinh vì Thẩm Vỹ, Dương Tịch bỏ trường Thanh Hoa nổi tiếng cả nước để vào Nam Kinh – là vì Phiên Nhiên!

Những tháng ngày ngây ngô trên ghế nhà trường rồi cũng khép lại, bạn bè mỗi người một nơi, đem theo vui buồn của mười hai năm mặc áo trắng. Bên cạnh bao nhiêu người phấn đấu vì tương lai lại có chàng Dương Tịch ngốc nghếch đuổi theo một cô gái. Rồi cũng như Thi Vĩnh Đạo trong GĐHGĐ, Dương Tịch bị lừa chết đứng. Phiên Nhiên thi vào một trường loại ba xa tận miền Bắc, anh lại xách hành lý đến Nam Kinh mịt mù trời nam. Đây là ý trời và cũng là sự nhẫn tâm của cô ấy!

Thẩm Vỹ trở lại để nói lời chia tay, Phiên Nhiên tỉnh táo mà chọn đường đi bằng phẳng, dường như ai cũng tốt, riêng Dương Tịch ôm nỗi oán hận vì bị đùa bỡn. Cô lại tàn nhẫn lần nữa, dứt khoát và lạnh lùng như bao lần.

Thật ra câu truyện đến với bạn đọc theo lối kể hồi ức, tiếc một điều là nó không biết đan xen. Hiện tại ở vài dòng đầu câu truyện sau đó là một mạch dài kí ức, cuối cùng mới trở về hiện tại. Chính kết cấu này đã làm mất một phần đặc sắc của câu chuyện. Bởi vì quá khứ dù đã qua nhưng nó luôn để lại dấu vết, nó tác động đến con người mỗi phút giây. Nếu Tâm Văn biết cách đan xen hai hoàn cảnh này vào nhau, để hồi ức làm nền cho câu chuyện hiện tại thì chắc chắn tác phẩm sẽ tuyệt vời hơn nhiều.

Chẳng hiểu sao tới đây mình không có hứng viết tiếp nữa mà chỉ muốn đọc lại Giường đơn hay giường đôi. Có lẽ quyển sách này chưa là tác phẩm hay nhất của Tâm Văn, các bạn có nghĩ vậy không? Nếu là thể loại tình cảm học trò và lối viết truy hồi, mình cảm thấy thành công nhất chính là Cửu Dạ Hồi với First Love, tuyệt không có chỗ nào chê. Tiếp đó có thể là cây bút Cầm Sắc Tỳ Bà hoặc là Minh Hiểu Khuê… Haizz… vốn luyến không nhiều, cũng không đọc hết các truyện hay nên chỉ biết thể thôi, bạn nào có ý tưởng mới thì pm HB nha ^_^

Cuối cùng, thêm vài dòng cho bài review: truyện kết HE, một vài hiểu lầm giữa đôi nhân vật được tháo gỡ, họ bắt đầu yêu nhau khi vào Đại Học, dù rằng “nam bắc phân kì”. Cuối năm tư thì họ chia tay rồi gặp lại khi nam chính du học về nước. Phiên Nhiên trở thành người phụ nữ công sở, dần mạnh mẽ và bản lĩnh, không còn làm đà điểu như ngày xưa nữa. Thuở bé yêu cuồng nhiệt mà không biết cách nên xốc nổi và tổn thương nhau. Bây giờ đều là người trưởng thành, họ dùng lý trí và sự chính chắn mà tìm về bến cũ. Đơn giản là vì trên đời này không ai yêu Phiên Nhiên hơn Dương Tịch và không ai quan trọng với Dương Tịch hơn Phiên Nhiên!

Nguồn: https://hoabanland.wordpress.com

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3