Chuyến hành hương của thời gian - Chương 05

Chương 5.

Ngày hè, thời gian rất nhàn hạ, chầm chậm mà trôi. Trừ những ngày mưa, nắng đoạn, mây úa màu, ngày bình thường, chiều tàn mà vẫn gió lộng, nắng chứa chan.

Ngày cuối tuần, dượng ra huyện dự hội thảo nông nghiệp từ sớm chưa về. Trúc Linh sau khi thi đại học liền theo bạn bè đi du lịch , còn Khả Bôn xuống thành phố học nghiệp vụ đã hơn một tháng nay. Một mình tôi ở trong căn nhà trống.

Tối qua tôi xem một bộ phim, thức thâu đêm cày cho bằng hết mười lăm tập. Cứ hết tập này đến tập khác, hứa sẽ đi ngủ, cuối cùng xem đến sáng. Ngủ vùi một mạch, thức dậy đã là bốn giờ chiều.

Trời nắng, vừa ngủ dậy người đã bị mồ hôi làm cho rít rịt, tôi đành đi tắm. Sau đó để nguyên đầu ướt, cầm một quả táo, đi ra hiên nhà. Tôi ngồi trên xích đu, co chân ôm gối, cả người dựa vào phía sau, lại ngửa lên nhìn trời, xuyên qua mấy kẽ lá đung đưa trên đỉnh đầu, trông thấy một vùng cao vời vợi, xanh ngát xanh.

Gió luồn qua áo, tóc ướt chấm cổ gầy, táo ngòn ngọt lạnh. Thật sự, dễ chịu vô cùng.

***

Chập choạng tối, dượng về.

Sau khi ra vườn bắt vào một con gà ta lớn, dượng liền vặt lông, làm thịt, rồi bảo:

- Con luộc một nửa, một nửa mang kho sả mà ăn. Nấu thêm chút cơm chút canh, tối dượng mời bác Phúc qua ăn cơm.

Tôi nghe hai từ “bác Phúc”, mắt liền nổ đom đóm ngàn con, đầu óc cũng tức thì ngưng trệ.

Lần trước, bác lấy số tôi xong, mấy ngày sau lại bày một bữa cơm, đưa một anh bộ đội trên phố về, kêu tôi qua gặp. Tôi vì ánh nhìn nghiêm khắc của dượng mà miễn cưỡng phải đi.

Vẫn một bàn mấy người, chỉ là chỗ của Bôn thay bằng một người con trai khác – Anh bộ đội nghiêm chỉnh, gọn gàng.

Tôi cúi gầm đầu ăn, lâu lâu lại len lén liếc nhìn anh bộ đội ngồi bên cạnh. Da dù hơi đen nhưng mặt mũi sáng sủa, hiền hòa. Người cao lớn nhưng không thô kệch. Lời lẽ tuy khuôn khổ nhưng giọng trầm, ấm áp.

Có một điều, duy chỉ có một điều. Lúc anh ta hỏi chuyện, tôi quay sang, lại tình cờ nhìn vào được bên trong khoang miệng, thấy răng anh ta bị sâu hai cái. Mà từ lúc đó, tôi như bị ám ảnh răng sâu, hễ quay sang lại không kìm được, phải nhìn chằm chằm vô nó. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình biến thái vô cùng.

Tôi vừa bận rộn tay chân nấu ăn vừa nhớ lại, không khỏi thấy buồn cười.

Đúng lúc cái nồi đầy nước chứa nửa con gà trắng bắt đầu sôi, điện thoại trong túi áo tôi đột nhiên đổ chuông lớn từng hồi.

- Alo.

- Kỳ Như!

- Vâng.

- Em đang làm gì?

- Nấu đồ ăn.

- Ừ. Tối nay em soạn mấy cái áo thun mỏng gởi xuống thành phố dùm anh với, ở đây nóng quá.

- Vâng. Gởi nhà xe nào?

- Xe nào cũng được, em gởi xong thì nhắn qua cho anh.

- Vâng.

Tôi trả lời, không mấy tập trung vào cuộc nói chuyện, nghe đầu bên kia vắng tiếng nói liền một tay cầm điện thoại đặt lên bàn, tay kia vội vàng đảo qua đảo lại chảo gà kho sả đang dậy mùi.

Qua một lúc, gà săn lại, sả đã ngả vàng, ớt cũng chín mềm thấm đầy gia vị, tôi hài lòng tắt lửa, ngồi xuống bàn ăn chờ đợi nửa con gà còn đang luộc.

Vừa chống cằm, tôi bỗng sực nhớ ra, cuộc nói chuyện ban nãy hình như chưa kết thúc. Vội vội vàng vàng cầm điện thoại lên, y như rằng thời gian cuộc gọi vẫn đang nhảy từng giây một. Tôi thở dài, áp điện thoại vào tai, nói:

- Alo…

- Nghe.

- Anh làm gì? Sao không cúp máy?

- Nghe em nấu đồ ăn.

Tôi nhàn nhạt hỏi:

- Anh ăn chưa? Tối rồi.

- Chưa ăn. Ăn cơm quán hoài ớn quá. Lâu rồi không ăn, đồ ăn ngọt ăn không quen.

- Vậy thì phải làm sao?

- Không sao cả, vẫn ăn được, đôi lúc ăn linh tinh.

- Anh đi ăn đi. Cúp máy đây. Khi nào gởi đồ xong sẽ nói cho anh.

Nói rồi, tôi cúp máy. Lại tất bật dọn ra một bàn đầy thức ăn.

Không lâu sau, bác Phúc sang, cùng dượng từ dưới sân đi lên, vào thẳng nhà bếp.

Thấy tôi, bác Phúc cười híp mắt:

- Sao rồi, cô bác sĩ?

Tôi chả biết bác hỏi cái gì sao, đành cười cười nói:

- Dạ bình thường.

Cuộc nói chuyện không có nội dung cứ vậy mà xong.

Hai người đàn ông lớn tuổi ngồi ăn, tôi lui vào phòng, uể oải nằm xuống. Cũng may dượng chẳng bao giờ bắt tôi ngồi ăn cùng nếu có khách đến nhà, bằng không, bác Phúc lại thao thao bất tuyệt về anh bộ đội, hỏi tôi “Có vừa ý không? Có thích không? Có muốn tìm hiểu không?”

Người lớn tuổi, dường như rất hào hứng với việc làm ông mai, bà mối.

Rất phiền.

Tôi là một cô gái bình thường, thích xem phim, mê thần tượng, thỉnh thoảng còn mộng mơ. Cũng không hề kênh kiệu mà bài xích chuyện này, nhưng việc cùng với một người lạ tiếp xúc, rồi bỗng nhiên bảo “Mình tìm hiểu đi” hay “Mình yêu nhau đi” thực sự thấy kỳ quái vô cùng, càng ngưỡng mộ hơn mấy người đi xem mắt mà nói thích là thích, nói yêu là yêu, rồi đến được với nhau.

Tôi suy nghĩ một lúc lâu, chợt nhớ ra có việc chưa làm, bèn gọi điện thoại qua nhà xe một cuộc, sau đó nhấc thân mình, di chuyển sang một căn phòng khác.

Căn phòng nhỏ gần một tháng không có ai ra vào, cửa luôn đóng kín, vừa hé mở liền có một luồng hơi lạnh thoát ra, vắng lặng vô cùng.

Tôi bật đèn, trước mắt hiện ra tấm thảm quen cuộc. Trên đó vẫn y như cũ, đồ đạc bày linh tinh, chăn gối rải rác còn chưa gấp lại, dường như vai trò của chiếc giường phía trên đã bị lãng quên hoàn toàn.

Bên trong cái tủ lớn vừa được tôi mở tung ra, đồ đạc được treo, xếp gọn gàng, hoàn toàn chỉ có ba màu đen, trắng, xám, mỗi màu một chồng riêng.

Bỗng nhiên, tôi bất giác nhớ đến thời trung cấp. Mỗi cuối tuần, Khả Bôn đều đứng đợi dưới dãy lầu tôi ở, tay cầm cầm giỏ lớn, bên trong chứa ba bịch đồ nhỏ, là áo quần đã được chia theo màu.

Ngày đó, lúc chưa thân thiết, Yến với Hân còn tưởng tôi đã có người yêu, mà hai người tình cảm rất tốt, cuối tuần nào “anh người yêu” cũng mang rất nhiều trái cây đến cho tôi, còn tôi giặt cho người ta một giỏ đầy áo quần.

Sau này biết chuyện, hai đứa hết sức ngạc nhiên, còn bảo tôi: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.” Tôi hoàn toàn không muốn thế, Bôn hẳn cũng không. Chỉ là, trong một lần tâm sự gần đây, Yến nói: “Bà đứng một chỗ người ta cũng sẽ tiến thêm một bước. Trừ phi bà lùi lại, thụt lùi thật nhanh.”

Tôi ngừng hồi tưởng, nén cái thở dài trong lồng ngực, lấy vài chiếc áo thun. Trước khi bước ra ngoài, không kìm được mà nhìn cái khung ảnh được đặt ở góc bàn. Bên trong, có bức ảnh một nhóm sinh viên y khoa mặc áo blue, ống nghe đeo lắc lư trên cổ, bên trái góc ảnh, là dáng hình một người con trai quen thuộc, hai tay bỏ sâu vào túi áo, miệng mỉm cười, như có như không.

***

Một tuần sau đó, tôi vẫn như cũ, cuối tuần ở nhà, hết ăn vặt, xem phim, lại xếp hình, đọc Toto Chan bên cửa sổ.

Dượng thấy thế mới bóng gió hỏi tôi:

- Con gái lớn ngày nghỉ không đi chơi đâu à?

- Không dượng ạ.

- Hồi trước còn thấy lên phố chơi, mà sao dạo này ứ nằm ì trong nhà thế?

Tôi cười cười. Khi không biết nói gì, hay không muốn nói, đều híp mắt cười cho qua.

Thực sự không biết nói thế nào. Không dám nói với dượng là đã hết tiền xài.

Con gái không muốn ra khỏi nhà, hoặc vì thực sự đang buồn, hoặc do mặt đột nhiên nổi mụn, và thường nhất là lúc hết tiền.

Tôi có cái tật, vừa lãnh lương sẽ chia tiền ra nhiều phần nhỏ, tính toán chi ly cho từng việc, xong lấy hết số tiền dôi ra mua sắm linh tinh, rút cuộc, hễ khi nào có việc phát sinh là tháng đó nghèo rớt mồng tơi.

Từ khi đi làm, tôi nhất định không dùng tiền của dượng nữa, cũng dặn Trúc Linh không được lấy. Dượng nuôi chúng tôi bao năm qua, thực sự vất vả rồi. Mà lâu lâu dượng lại âm thầm chuyển khoản cho tôi một số tiền nho nhỏ, nếu tôi hỏi đến, dượng sẽ trả lời: “Dượng trả công cho con làm vườn giúp dượng.” Tôi luôn áy náy, nhưng cũng không biết làm sao cho phải, cuối cùng quyết định chuyển tất cả sang sổ tiết kiệm, dành cho Trúc Linh học đại học sau này.

Vừa rồi, Trúc Linh đi chơi, tôi đành lấy hết tiền tháng đưa cho nó. Đứa em gái này của tôi, lúc nào cũng thương chị, sợ chị thiệt thòi, từ bé đến lớn cái gì cũng nhường tôi, bởi thế, tôi cũng không nỡ để nó đi chơi mà thua kém bạn bè. Rút cuộc, bây giờ trong ví hoàn toàn là “vườn không nhà trống.”

Đương lúc tôi ngồi xem lại Gia đình là số một, đoạn Đức Minh nói: “Mẹ mẹ giết nó đi mẹ, rồi sinh đứa khác”, điện thoại bàn đặt cạnh tivi phát ra một hồi chuông cổ điển “reng, reng” kéo dài.

- Xin chào…

- Xin hỏi, đây có phải nhà anh Thanh không?

- Dạ đúng, cô tìm ai?

- À, cho cô gặp Kỳ Như được không con?

Tìm tôi? Là ai? Lại gọi vào số điện thoại này.

- Con là Như. Cho hỏi cô là ai ạ?

- Như à, là dì đây, dì Oanh.

Nghe cái tên này, tim tôi chết lặng vài dây, hô hấp dường như cũng hoàn toàn đình trệ.

Dì Oanh? À, là vợ hai của bố.

Bố, là ai? Là người đã nhiều năm rồi tôi chưa gặp. Ngày đi chôn mẹ, bố lẫn vào đám người đông đúc đưa ma. Ánh mắt ông ấy nhìn tôi, hoang hoải, cô đơn đến đáng thương. Tôi trước nay chưa từng hận bố. Chỉ là sợ hãi ngập tràn. Cho đến bây giờ, nếu nhìn khuôn mặt ấy, có lẽ tôi vẫn sẽ bị tim nhũn, chân run.

- Chào dì.

- Con dạo này có khỏe không?

- Làm sao dì biết số này?

- Dì hỏi họ hàng nhà con, ngày xưa mẹ con có cho họ số này. May quá, lâu như thế còn liên lạc được.

- …

- Dì gọi đường đột quá, nhưng bố con giờ đang nằm viện, dì gọi hỏi con có muốn sang thăm bố một chuyến không?

Tôi không chần chừ, trống rỗng mà đáp mỗi hai từ:

- Dạ, được.

Tôi ngồi thừ trên ghế rất lâu sau cuộc điện thoại kìa. Bản thân chẳng nghĩ gì cả, đột nhiên thấy thương cảm ngập tràn. Rồi trên mắt từ từ hình thành một tầng nước mỏng tang, tivi trước mặt đã không còn thấy rõ hình ảnh nữa.

Không khóc, nhất quyết không được khóc. Tôi đứng dậy đi vào phòng, đến kệ sách lấy xuống con heo đất, thả xuống một cái, vỡ tan tành. Sau đó lúi cúi nhặt nhạnh mấy tờ tiền đã để dành từ rất lâu, xếp gọn vào ví. Lại đeo một cái túi vải trên vai, thưa vài câu với dượng, sau hướng cửa lớn mà đi.

Tôi lội bộ ra đường lộ, đi một cuốc xe ôm ra chợ xã, rồi bắt xe buýt đi lên phố. Đến bến, đổi sang một chiếc xe buýt khác về huyện cũ – nơi tôi lớn lên cùng tuổi thơ cơ cực. Tổng cộng, hết hai tiếng đi đường.

Xuống xe, đi bộ hai trăm mét, ở ngã ba đường, quẹo phải đi thêm một cây số, lại quẹo trái đi thêm một cây nữa, ấy là đã đến nơi.

Bao năm rời đi, nơi xưa cũ cũng đã khác hoàn toàn. Con đường nhỏ ngày ngày tôi chở cỏ bò sau yên xe đạp, giờ đã được trải nhựa trơn láng, rộng rinh. Cánh đồng vốn đầy những hoa lau, hoa dã quỳ đã thay bằng nhà lưới, vườn ươm lớn. Khoảng đất trống ngày đó bọn con nít chúng tôi thả diều, đánh trận, hiện tại mọc lên những nhà cao, cửa rộng rồi.

Tôi dựa vào trí nhớ, tìm đến vị trí ngôi nhà ngày xưa mình từng ở. Nhà gỗ, mái ngói đã không còn.

Tôi bấm chuông, mắt nhìn xuyên qua khe hàng rào lớn thấy một ngôi nhà xây đẹp đẽ, chờ đợi cánh cửa nhà mở ra. Rút cuộc, bấm nhiều lần mà vẫn không có ai xuất hiện.

Lúc nãy nghe điện thoại, tôi chỉ đồng ý rồi cúp máy, cứ thế mà đi. Không nghĩ đến việc hỏi số liên lạc, không nói mình sẽ liền đến thăm, càng không nghĩ nhỡ như họ đã chuyển nhà.

Tôi đứng thẫn thờ một chỗ rất lâu.

Khi đến nơi trời còn sáng rõ, mà hiện tại đã tím rịm một màu. Cột khói của cái lò gạch ngay dưới chân núi vẫn đang từ từ nhả những luồng trắng đặc mù, sau đó lan ra rộng làm nhòe cả ngọn núi lẫn hình dáng những cánh chim bay.

Chốn cũ này, không biết còn bao nhiêu người cũ. Tôi làm liều, sang nhà bên cạnh bấm chuông.

Chỉ một hồi vang lên, liền có người ra mở cửa, nhìn chằm chằm tôi hỏi:

- Chị tìm ai?

- Cho chị hỏi, nhà bên cạnh không biết của ai?

- À, nhà bác Oanh. Bác trai nhà đó nằm bệnh viện mấy hôm nay nên trong nhà không có người đâu.

- Vậy… cảm ơn em.

Tôi nói xong, toan quay đi, bỗng nhớ ra một điều, bèn quay đầu lại hỏi:

- Mà nhà này có phải nhà Tuyền không?

- Chị hỏi chị Tuyền hồi trước ở đây hả? Nhà chị đó bán lại nhà cho nhà em rồi chuyển xuống thành phố ở rồi.

- Ồ. Cảm ơn em.

Nói rồi, tôi thực sự quay đi. Men theo đường cũ mà ra đường lớn, lại đi xe ôm đến bệnh viện cách đó không xa.

Cuối tuần, bệnh viện nườm nượp người ra vào thăm nom.

Tôi còn tưởng phải mò mẫm rất lâu để tìm người, rút cuộc chỉ vừa đi vào khuôn viên bệnh viện đã nhìn thấy một bóng lưng quen thuộc. Tuy ở ngay trước mắt mà như ở xa tít chân trời.

Dưới tán cây bàng xum xuê rộng lớn, ánh đèn vàng lách tách tiếng thiêu thân, bố ngồi trên ghế đá, lưng đưa về phía tôi, cả người bị vây quanh bởi một làn khói mỏng manh, trắng mờ. Bố hút thuốc từ lâu, đến giờ vẫn còn giữ thói quen này.

Bố ngồi một chỗ bao lâu, tôi cũng ở đằng sau mà giữ nguyên vị trí. Tiến không được, lại không muốn lùi. Đột nhiên có một bàn tay đặt lên vai khiến tôi giật mình, người nảy lên một cái, đồng thời quay lại phía sau.

Người phụ nữ nhìn thẳng mắt tôi, nở nụ cười phúc hậu, trên tay còn cầm một phích nước nóng màu đỏ cỡ vừa.

Tôi biết người này.

Sau khi bố mẹ chia tay, không lâu sau bố cũng lấy người mới. Có một lần mẹ tôi chủ động liên lạc về, hỏi thăm tình hình. Sau đó có một lần khác, mẹ dắt tôi lên phố, cùng gặp dì ở một quán cà phê nho nhỏ, nói chuyện rất lâu.

Tôi gật đầu chào dì, đưa ngón tay lên miệng, kẽ nói “suỵt” rất nhanh, rồi kéo dì ra góc khuất.

- Con đến hồi nào? Sao phải vội vàng thế? Mà sao không nói trước với dì?

- Bố… có sao không dì?

- Gan, phổi yếu rồi, mà đầu cũng không được bình thường, hay nói linh tinh…

Tôi trao đổi với dì không lâu, sau nhét vào tay dì một phong bì nhỏ. Hai người đẩy qua đẩy lại một lúc lâu, dì mới chịu mang cất vào túi áo.

Lúc tôi nhất quyết ra về, không vào gặp bố, dì rưng rưng nước mắt mà nói:

- Chuyện gì cũng qua rồi. Được thì lần sau con gặp bố một lần. Máu mủ ruột rà, không phải nói bỏ là bỏ được. Dì không có con riêng, nên dù mới gặp con được hai lần, dì vẫn thương tụi con…

Tôi ôm dì một cái thật chặt, rồi rảo bước quay đi. Ghi nhớ mãi trong đầu bóng hình người bố đã già đi theo năm tháng. Không phải tôi mãi mãi không muốn nhìn mặt bố, mà là tôi chưa thể sẵn sàng.

***

Tháng tháng năm năm, trôi qua như một cái khoát tay.

Cô bé con ngày đó, tóc ngắn da đen, a dua cùng mấy đứa bạn nhỏ, nhảy từ nóc chuồng bò xuống đất, tự khiến mình bị gãy cả răng, khóc nức nở. Cô bé ngày đó, đi ăn trộm xoài, bị bố đánh đòn, nước mắt lấm lem. Cô bé năm ấy, vì mẹ mất mà từ tự nhốt bản thân mình, châm thịt cắt tay… Hiện tại, đã lớn khôn.

Tôi nhìn cô gái trên cửa kính xe buýt đang không ngừng rung lắc, thì ra mình đã trưởng thành rồi. Trải qua bao nhiêu chuyện, quay đầu nhìn lại mới phát hiện ra, con người ta không phải trưởng thành rồi mới đầy mỏi mệt, mà là chịu biết bao mỏi mệt, lúc ấy mới có thể trưởng thành.

***

Tôi về đến trước nhà, là lúc trăng thanh đã lên cao.

Dân trong vùng đều đã lên đèn trước cửa nhà. Giữa không gian tĩnh mịnh và cảnh sắc đêm đen, cả một thung lũng nhỏ như nằm giữa hai tầng sao lớn.

Một lần nữa, tiếng hát Hoa Thần Vũ lại báo cho tôi có cuộc gọi đến. Con chó hàng xóm nghe động, bèn sủa ầm cả lên.

Tôi đến dưới nhà sàn, ngồi xuống cái ghế đá mà dượng vẫn hay ngồi uống trà, nhận cuộc gọi:

- …

- Kỳ Như?

- Vâng.

- Em đang làm gì?

- Đang ngồi.

- Em đang ở đâu?

- Ở nhà.

- Em về rồi hả?

- Vừa về đến nơi.

- Như!

- …?

Bôn im lặng, một lúc rất lâu. Tôi chỉ nghe tiếng anh ta nhè nhẹ thở. Có lẽ anh ta biết chuyện tôi đi thăm bố thông qua dượng. Không biết anh ta đang nghĩ gì?

Tôi cảm thấy lồng ngực mình như bị ai siết lại, rồi đè nặng xuống, khó chịu vô cùng.

Chờ đợi, lại chờ đợi. Cho đến khi tôi không còn kiên nhẫn nữa, toan cúp máy thì Bôn lại mở lời:

- Cuối tuần sau anh về, muốn mua gì dưới này không?

Thần kinh tôi dãn ra, lúc này mới có thể hơi cười mà nói:

- Có. Nhờ anh vào khoa Dược của trường, mua dùm mấy hộp sâm.

- Còn gì nữa không?

- Hết rồi.

- Có ăn mít Tố Nữ không?

- Có.

- Ừm, được. Đợi anh về.

Trăng sao sáng rực, mà trời lất phất mưa rơi.

Lại mưa rồi.

Ngày dài mới biết, lòng người rối ren.