Chương 6 – Chuyến đi khỏi thành Thăng Long

 

Quan chức trong triều chia làm hai ban văn võ, từ ngũ phẩm trở lên mới được đứng hầu tại điện Thiên An. Đứng đầu quan văn hiện nay là Thái sư Trần Độ và bên võ tướng là Thái úy Lưu Khánh Đàm. Trần Độ năm nay tuổi gần bảy mươi, sức khỏe không còn tốt nên hạn chế vào triều. Còn lại, theo như Hoán quan sát, ra vào điện Vĩnh Quang thường xuyên gồm có thái úy Lưu Khánh Đàm, Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc bà trung thừa Mâu Du Đô.

Lê Bá Ngọc thì Hoán không lạ lẫm gì, ngoài việc là cận thần bên cạnh vua thì Hoán còn biết ông ta với vai trò là bạn của Sùng Hiền hầu. Lão ta có cặp mày đậm, đôi mắt hơi xếch lên, lúc nào cũng láo liên khiến mỗi khi lão nhìn Hoán, cậu luôn cảm thấy lão như muốn toan tính việc bất chính. Mặc cho Sùng Hiền hầu từng nói với Hoán có việc cần sai bảo thì cứ giao cho Bá Ngọc, người này có thể tin tưởng nhưng thực chất Hoán chẳng có việc gì cần sai bảo và cậu cũng không thể tin tưởng được lão ta. Đấy là chưa kể lão từ đâu lại nhận Đỗ Anh Vũ làm con nuôi, khiến Hoán nhìn hai cha con nhà ấy càng không thuận mắt. Bản thân cậu không biết cậu không thích Anh Vũ nên cũng không thích Bá Ngọc hay vốn dĩ vì không thích Bá Ngọc nên không có thiện cảm với Anh Vũ?!

Lưu Khánh Đàm thì nhìn dáng vẻ đích thị là trung thần. Ông ta lúc nào cũng mang phong thái đĩnh đạc, ngay thẳng dù đối diện với bất cứ ai. Ông ta cũng trạc tuổi Bá Ngọc, nhưng có lẽ do chinh chiến thường xuyên, vào sinh ra tử nhiều nên trông có phần già dặn hơn lão Ngọc. Dương Hoán để ý, dường như phụ hoàng cũng xem trọng Khánh Đàm hơn.

Còn lại là trung thừa Mâu Du Đô. Ông này trẻ nhất trong số cận thần của phụ hoàng, đâu đó chỉ ngoài bốn mươi. Phụ hoàng hay sai ông đi khỏi Thăng Long làm nhiệm vụ, có khi vài tháng mới thấy mặt ông ở cấm thành. Du Đô tâm tính bộc trực, nói năng khảng khái, âm điệu ồ ồ. Hoán cảm thấy Du Đô là phóng khoáng và dễ nói chuyện nhất, không mực thước như Khánh Đàm cũng chẳng lươn lẹo như Bá Ngọc. Chốt lại, Hoán có thích gặp Mâu Du Đô hơn hẳn, một phần vì cứ gặp cậu là ông lại mang biếu thức ăn dân dã tại những nơi mà ông vừa đi qua. Có những món rất ngon, nhưng đầu bếp trong cung khi chế biến lại thì chẳng còn mang hương vị như thế. Khi Hoán thắc mắc, Du Đô cười hề hề giải thích là mỗi vùng có một đặc tính riêng, từ gió, nước, đất đến cây cỏ nơi đó đều không giống nơi khác, vì thế cho dù là cùng nguyên liệu, cùng công thức, nhưng nếu không phải thuộc về nơi đó, sẽ không thể nào mang theo hương vị giống như vậy. Hoán lờ mờ về việc giải thích này của Du Đô, nhưng cậu vẫn tin lời ông.

Lần này cũng vậy, sau hai tháng rong rủi miền biển Hải Đông, Mâu Du Đô vào cung, không quên mang theo một ít bánh trôi. Lý Dương Hoán háo hức cắn ngay một miếng, bánh vừa dẻo vừa mềm, bên trong là nhân đường phèn ngọt mà không gắt, hương vị ấy khiến tâm trạng cậu khoan khoái lên rất nhiều.

“Bánh này ngon thật sự, khi nào ông có dịp đi Hải Đông nữa thì đem về cho ta thật nhiều nhé.”

Mâu Du Đô khoái chí vuốt chiếc cằm lúng phúng mấy cọng râu. Da mặt ông đen sạm đi nhiều so với lần trước Hoán gặp. Nhưng ngược lại, Du Đô lại có hàm răng khá trắng, khiến nụ cười ông thiện cảm vô cùng.

“Vâng thưa thái tử. Bánh này mua ở một tiệm nổi tiếng tại Vân Đồn – Hải Đông. Lần sau có đến đấy, thần sẽ mua thật nhiều cho ngài.”

Dương Hoán chun mũi mỉm cười. Nhìn gương mặt cậu và chiếc bánh trôi trên đĩa, chẳng khác là bao.

Mùa xuân có hội đá cầu, mùa hạ đi xem cày ruộng, mùa thu có hội đua thuyền, mùa đông lại xem gặt lúa. Trong số đó, Hoán thích hội đá cầu và đua thuyền nhất, còn hai việc đi xem cày xem gặt đối với cậu là nhàm chán vô cùng. Trong những hội thi đua, Hoán thỏa sức hò hét cổ vũ, người tham gia cũng tràn đầy năng lượng. Còn việc ra ruộng, Càn Đức hay nói với Hoán rằng cây lúa là nguồn sống của Đại Việt, nếu không có lúa, dân ta sẽ không có lương thực, sẽ không thể sống nên mỗi dịp như vậy, đích thân vua sẽ xuống ruộng, thực nghiệm ba đường cày, bảy lần gặt để cho dân chúng lấy đó làm gương noi theo.

Mùa hạ năm nay, có tin báo về thuyền buôn ngoại quốc cấu kết với hải tặc, gây sự với thuyền buôn trong nước ở Hải Đông. Chỉ huy sứ Hải Đông là Lý Sơn xin được điều động ba nghìn binh để đi chiến đấu với đám hải tặc ấy. Chưa đầy nửa tháng, tin bình ổn vùng biển ấy đã truyền về kinh thành. Lý Càn Đức khá hài lòng, lúc nghe Hoán đọc đến tin thắng trận của Lý Sơn, không tiếc lời buông một câu khen.

“Quả đúng thật là con nhà tông!”

Dương Hoán ít khi thấy phụ hoàng bình luận về ai trước mặt mình nên vô cùng ngạc nhiên hỏi.

“Bẩm phụ hoàng, Lý Sơn là ai, trước nay con chưa từng nghe nhắc đến.”

Lý Càn Đức sẵn đang cao hứng, nghe Hoán hỏi, không ngại gọi Hoán lại đứng kế bên, đem giấy trải ra bàn, chấm mực lên bút lông, vừa viết vừa giải thích.

“Lý Sơn này là cháu nội của Lý Nhân Nghĩa – Đô thống đại nguyên soái dưới triều Thái Tông. Lý đại soái có một người con trai tên Lý Thuần Liễu, tiếp nối cha trở thành Nguyên soái. Lý Thuần Liễu năm ấy được ban hôn con gái của tể tướng Dương Đức Uy là Dương thị. Ngoài ra tể tướng còn ba người con nữa là Dương Đức Huy, Dương Đức Thao và Thượng Dương thái hậu quá cố. Vì sự kiện con trai út của tể tướng là Dương Đức Thao âm mưu tạo phản nên liên lụy không ít đến nhà họ Dương. Nguyên soái Lý Thuần Liễu khi ấy vì muốn bảo vệ vợ con nên xin ra Hải Đông trấn thủ. Dương thị mất sớm, Lý Thuần Liều không cưới thêm thê thiếp, cứ ở vậy một mình nuôi con trai là Lý Sơn. Lý Sơn lại nối nghiệp cha, trở thành chỉ huy sứ lộ Hải Đông cho đến hiện tại.”

Dương Hoán nghe xong, không khỏi cảm thán.

“Thật tội! Nếu không vì Dương Đức Thao phạm tội, biết đâu gia đình Nguyên soái Lý Thuần Liễu giờ đây vẫn ở lại Thăng Long, được phong vương, phong hầu cả rồi.”

“Đáng lí ra, với thân thế của Đại nguyên soái, dù con dâu của ông là Dương thị có anh trai phạm tội thì cũng chẳng hề hấn gì. Năm xưa tiên hoàng cũng chỉ ra lệnh xử tử gia đình Dương Đức Thao và đày Dương Đức Uy cùng Dương Đức Huy ra châu Nghệ An. Còn lại hai người con gái, Dương thái hậu và Dương thị gả cho họ Lý vẫn bình an vô sự. Chẳng qua, việc xin về Hải Đông, dường như là mong muốn của Nguyên soái thôi.”

“Thăng Long có gì không tốt, sao nhà ấy lại muốn đi xa, thưa phụ hoàng?”

Lý Càn Đức chợt sững lại một lúc rồi đưa tay xoa đầu Dương Hoán. Đôi mắt ông đột nhiên long lanh, tựa hồ ẩn giấu trong đó biết bao chuyện cũ, những chuyện dường như không thể nói cùng ai, huống chi là một đứa bé mười một tuổi như Hoán.

“Nguyên soái có lí của người. Con có vẻ quan tâm?”

Thật ra, Dương Hoán chỉ thuận miệng hỏi, chẳng qua là Càn Đức trả lời quá nhiều khiến cậu nảy sinh tò mò. Việc gia môn của Đô thống đại nguyên soái kia, đối với Hoán vốn không liên quan. Thứ khiến cậu bận tâm, lại chính là phụ hoàng nhắc đến Hải Đông – nơi có loại bánh ngon mà Du Đô vừa dâng cho cậu mấy hôm trước. Giờ nghe câu hỏi của phụ hoàng, Hoán đoán biết được người có ý trách, cậu bẽn lẽn thưa.

“Bẩm phụ hoàng, con không có ý nhiều chuyện.”

“Ha ha, trẫm không trách, là trẫm chưa dạy con nhiều về dòng họ Lý. Con giờ cũng đã lớn, mỗi ngày trẫm sẽ nói một ít, mai này con lên ngôi, cũng biết người nào có thể dùng.”

Lý Dương Hoán nghe đến đây, liền lắc đầu nguầy nguậy.

“Phụ hoàng sống ít nhất cũng một trăm tuổi, con không gấp không gấp!”

“Trẫm không mong sống trăm tuổi, chỉ mong có thể ở bên con đến lúc con đủ trưởng thành!”

Trong âm điệu của Càn Đức thoáng chút xót xa. Ngưng một lúc, ông nói tiếp.

“Thế… con có muốn gặp Lý Sơn không?”

Dương Hoán ngạc nhiên hỏi: “Ông ấy vào Thăng Long ạ?”

“Không! Trẫm và con sẽ đến Vân Đồn.”

Hoán không có một chút lòng dạ muốn từ chối. Bởi vì với cậu, việc được đi đến một nơi ngoài cấm thành, ngoài Thăng Long tuyệt vời hơn rất nhiều so với đi đến cung Ứng Phong xem cày ruộng. Những ngày sau đó Hoán đều mơ về một nơi xa lạ, với những chiếc bánh trôi nhân đường phèn ngon đến ngất ngây.

*

*   *

Ngoài Quốc Tử Giám ra thì đây là lần đầu Hoán được đi xa đến thế. Từ Thăng Long đến Vân Đồn mất đến hai ngày đi bằng xe ngựa. Lần này xuất cung không rình rang, ngoài phụ hoàng và Hoán ra thì chỉ có thêm khoảng hai mươi cận vệ theo cùng. Theo như Hoán biết thì chuyến đi này phụ hoàng cũng không thông cáo cho nhiều người, thậm chí đến Thần Anh, Hoán cũng không được phép nói với bà. Giải đáp thắc mắc của Hoán, Càn Đức chỉ bảo rằng càng ít người biết thì càng ít nguy hiểm mà thôi.

Ra khỏi thành Thăng Long, dân cư bắt đầu thưa thớt. Đi được hai canh giờ thì Hoán nhận ra xung quanh là rừng với ruộng, thỉnh thoảng mới thấy một ngôi nhà. Cậu vén rèm cửa, nhìn ra ngoài, thấy những cánh đồng mạ non xanh biếc, dưới đó còn có nông phu với con trâu đang cày bừa. Đi thêm một canh giờ lại đến một trấn nhỏ, đoàn người dừng lại ăn trưa, nghỉ ngơi quá ngọ mới tiếp tục lên đường.

Không gian bên ngoài yên ắng, xe chạy hơi sốc nên Hoán có chút đau đầu, chẳng mấy chốc lại ngủ quên trên chân phụ hoàng. Đến khi cậu được gọi dậy thì đã đến một quán trọ dưới chân núi. Đoàn người ở lại đây một đêm, chờ trời sáng mới tiếp tục khởi hành.

Sau nỗi vui mừng vì được đi xa thì giờ đây tâm trạng Hoán thoáng chút buồn. Nơi này so với hoàng cung thì khá tối tăm và vắng lặng. Trong đêm đen, Hoán có thể nghe rõ tiếng dế râm ran trong những bụi cỏ, thỉnh thoảng là tiếng chim lạ bay đêm kiếm mồi. Hoán nhớ mẹ Thần Anh, nhớ gương mặt hiền từ của người. Hoán nhớ cả chiếc giường êm ái tại đông cung, bên cạnh là cung nữ đứng phe phẩy quạt để cậu nhanh chìm vào giấc ngủ. Ở đây chẳng có gì cả, tiết trời oi bức khiến Hoán khó chịu. Cậu nằm cạnh phụ hoàng, dù mặc áo rất mỏng nhưng cơ thể vẫn đổ rất nhiều mồ hôi. Giữa đêm, trong cơn chập chờn, dường như Hoán thấy có những luồng gió nhẹ nhàng lướt qua người mình, giống như cái cách cung nữ hay quạt cho cậu ở đông cung.

Vì là mùa hạ nên đêm nhanh chóng qua đi, khi con gà trống bên ngoài gáy đến tiếng thứ ba thì ánh sáng cũng tràn vào phòng, đánh thức Dương Hoán còn đang say ngủ. Cậu từ từ mở mắt, thấy phụ hoàng y phục đã chỉnh tề, người ngồi ở bàn, chầm chậm uống trà như thể đã ở đó từ rất lâu rồi.

Hoán vừa tỉnh dậy phụ hoàng đã cho một tên lính vào hầu cậu rửa mặc thay xiêm y. Sau đó, chủ quán mang vào hai bát mì nóng hổi. Lần đầu Hoán ăn sáng đơn giản như thế, nhưng chẳng hiểu sao cậu lại cảm thấy rất ngon. Phải chăng đúng như lời Mâu Du Đô nói, món ăn ở từng nơi sẽ mang theo hương vị của chính nơi chúng được tạo ra.

Ăn xong bát mì ngon lành ấy, hai cha con lại tiếp tục lên xe ngựa tiếng về Vân Đồn. Thật ra khi đến quán trọ này là Hoán đã đến được khu vực lộ Hải Đông (tỉnh Quảng Ninh), nhưng vẫn phải đi tiếp ba canh giờ nữa để đến trấn Vân Đồn. Vân Đồn không phải là một thương cảng chính thức, đây chỉ đơn giản là nơi dừng chân của tàu buôn các nước giao thương qua lại giữa Đại Tống, Trảo Oa trên đường di chuyển đến cảng Diễn Châu tại Nghệ An hoặc ngược lại. Nhiều lần đọc tấu chương cho phụ hoàng, Hoán nghe đến miền Diễn Châu, cũng đoán được nơi đây rất sầm uất và cũng đầy bất ổn nên các vị trấn thủ Diễn Châu đều là tướng quân tam phẩm trở lên. Vân Đồn thì không phải trọng điểm như Diễn Châu, trên đường Hoán đi thấy dân chúng không ồn ào náo nhiệt như ở kinh đô, gương mặt họ toát lên vẻ hiền hòa hơn hẳn.

Xe ngựa của vua dừng trước một phủ nhỏ có cảnh cổng bằng gỗ lim với khóa đồng cũ kỹ nhưng vẫn được giữ sạch sẽ. Bên trên tấm bảng nhà có để ba chữ “Phủ Lý Sơn”. Hoán chỉ phụ hoàng dòng chữ ấy, bật cười khanh khách.

“Phụ hoàng xem kìa, ai đời lại để tên mình làm tên phủ. Ông ấy cứ như sợ người khác không biết đây là nhà mình vậy.”

Càn Đức nhìn Hoán, có chút không hài lòng bảo: “Con không nên bàn tán về vấn đề cá nhân của người khác như thế.”

Hoán cúi đầu vâng dạ, nhưng trong lòng thầm nghĩ, cậu vốn dĩ là thái tử, chỉ nói về tên phủ của một vị quan ngũ phẩm thì có gì mà không được cơ chứ.

Hoán cứ nghĩ Lý Sơn là tướng thì sẽ mang dáng dấp cao to như Bá Ngọc hoặc hào sảng như Du Đô, nhưng khi gặp thì hoàn toàn ngược lại. Ông mặc áo Giao Lĩnh (kiểu áo chéo trước ngực như áo tràng) màu nâu, quần dài màu trắng, tóc búi cao và đội một mũ Đinh Tự(*) cùng màu áo. Lý Sơn dáng cao nhưng không to, gương mặt hồng nhuận với đường nét dễ nhìn, tạo cảm giác thanh liêm hơn uy quyền của một võ tướng. Dương Hoán nghĩ cũng đúng thôi, ông ở đây, làm quan theo hình thức tập ấm (con nối nghiệp cha), lại không có nhiều binh biến để ông phát huy hết khả năng võ tướng của dòng họ. Chó sói xuống đồng bằng cũng thành chó nhà, Lý Sơn ở nơi yên bình như vậy, lâu dần dáng vẻ cũng chẳng khác quan văn là bao.

(*) Mũ hình ống màu sẫm, quây quanh trán và rủ xuống phía sau, phía sau may thêm mảnh vải hình vuông che kín gáy.

Đứng cạnh Lý Sơn là phu nhân của ông – Vạn thị, ngoài ra không có thêm thê thiếp nào khác. Lúc trên xe ngựa Hoán có nghe phụ hoàng nói qua, từ thời cha Lý Sơn là Lý Thuần Liễu, năm xưa vì phải lòng con gái nhà tể tướng là Dương thị mà trì hoãn việc lập gia thất. Dương thị ấy dù là con gái nhưng tính tình rất cởi mở, khác hẳn với các tiểu thư nhà quan và càng không mang nét đầm thắm quy củ như chị ruột Dương hoàng hậu của tiên hoàng. Đến cuối cùng, Dương thị cũng động lòng vì sự si tình của Lý Thuần Liễu, đồng ý gả cho ông.

Trong lễ thành hôn với Dương thị, Lý Thuần Liễu lập lời thề rằng cả đời ông chỉ có duy nhất Dương thị làm vợ, yêu thương duy nhất một mình bà khiến mẹ ruột của ông suýt chốc ngất tại lễ gia tiên. Dương thị nghe như thế lại càng tôn trọng chồng mình hơn, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng, sớm sinh được con trai nối dõi là Lý Sơn và một con gái tên Lý Dương Hà. Tiếc rằng Dương thị bạc phước, qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Lúc bà sắp mất có căn dặn chồng mình nên cưới thêm vợ để còn chăm sóc ông. Nhưng Lý Thuần Liễu vẫn một mực giữ lòng son sắt với phu nhân, cho đến cuối đời vẫn không có bất kỳ liên hệ nào với người phụ nữ khác.

Có lẽ vì theo gương cha, Lý Sơn cũng chỉ có một người vợ duy nhất là Vạn Thị Khuê. Vạn thị ấy tuổi đã trung niên, thân hình có chút đẫy đà nhưng nhìn vẻ mặt là biết chắc chắn được sống trong một gia đình êm ấm. Dương Hoán chợt nghĩ đến phụ hoàng, đến Sùng Hiền hầu, đến những người đàn ông tại Thăng Long. Vì phụ hoàng là vua nên hậu cung khó tránh khỏi có nhiều phi tần, đến cả mẹ Thần Anh có khi một năm chỉ gặp phụ hoàng số lần đếm được trên đầu ngón tay. Sùng Hiền hầu cũng có ba người vợ và bốn người thiếp. Hoán nghe nói sở dĩ Sùng nạp thê thiếp nhiều như vậy là do năm xưa Linh Nhân thái hậu gây áp lực vì ông và Đỗ thị không sinh được con. Còn lại những viên quan khác, nhà ai lại không có dăm ba thê thiếp, mấy ả hầu phòng. Sống trung trinh mực thước như cha con nhà Lý Sơn kia, liệu thế gian này được bao nhiêu người.